Cu đơ ông bà Thư Viện từ lâu đã là một thương hiệu nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng người làm nên những tấm bánh mang hương vị đậm đà bản sắc văn hóa miền quê xứ Nghệ lại là hai người con gái của cụ Thư...
Để có được thương hiệu cu đơn Thư Viện như ngày hôm nay, gia đình ông Thư và đặc biệt là hai người con gái của ông Thư là cô Ba và cô Út đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên với “cái lửa” và “cái tài” và “ cái tâm” với nghề thì hai chị em đã khẳng định được thương hiệu cu đơ hàng đầu tại Hà Tĩnh.
Năm 1954, ông bà Thư lấy nhau và lên khu vực Đá Bạc nằm trong lòng hồ Kẻ Gỗ, thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh khai hoang phục hóa, kiếm kế mưu sinh. Nhờ chăm chỉ, chịu khó chăn nuôi, trồng vườn, ông bà đã tiết kiệm được một số tiền khá lớn và nổi tiếng giàu có nhất vùng. Theo tiếng gọi của nhà nước việc gửi tiết kiệm là yêu nước nên ông bà Thư đem toàn bộ số tiền tiết kiệm gửi hết vào ngân hàng. Chính vì gửi nhiều tiền tiết kiệm nên gia đình ông nhận được rất nhiều giấy khen của các cấp. Đến năm 1975, Nhà nước triển khai xây dựng hồ kẻ gỗ nên ông bà về làm nhà tại Thị Trấn Cẩm Xuyên, đồng thời mua thêm ngôi nhà tại Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh.
Là một gia đình có tiếng tăm là giàu có, thế nhưng, khi về sống ở Phường Đại Nài thì gia đình ông Thư thực sự bỡ ngỡ khi không có một nghề nào để mưu sinh. Vào thời gian đó, chủ trương của Nhà nước cấm buôn bán, gia đình lại không có ruộng, không có đất để chăn nuôi, trồng trọt. Mấy năm liền, gia đình ông không kiếm ra một đồng nào, số tiền gửi tiết kiệm cũng lần lượt “đội nón” ra đi.
Du khách nước ngoài thăm quan cơ sở sản xuất cu đơ Thư Viện
Do hoàn cảnh gia đình, khó khăn túng thiếu, các con lớn của ông cũng lần lượt nộp đơn vào học ngành sư phạm để giảm bớt gánh nặng kinh kế cho cha mẹ và tìm đường đi cho tương lai sau này. Lúc này ở nhà chỉ còn cô Út cùng ông bà Thư mở một quán nhỏ bán nước chè, bánh chưng, bánh xốp, kẹo lạc…Và cơ duyên với nghề sản xuất kẹo cu đơ đến với gia đình cũng bắt đầu từ đây.
Cô Út chia sẻ: “Nhận thấy kẹo lạc đổ trên giấy vừa cứng vừa đen, nên tôi đã bàn với bố mẹ tự đổ cu đơ để bán. Tôi còn nhớ, ngày chị em tôi còn ở trên Đá bạc đã nhiều lần nấu lạc với đường để làm kẹo. Lúc đầu tôi đổ trên giấy, nhưng về sau thì đổ trên bánh. Ngày đó, bánh nhỏ hơn bây giờ nhiều và chỉ quạt bằng tay. Thế nhưng, cả gia đình chỉ mình tôi quạt được. Sở dĩ vậy là vì bánh đổ phải được quạt chín đều và phẳng nên rất khó. Cả năm ngón tay tôi ngày nào cũng tiếp xúc với than nên bị chai sạn, phồng rộp…”
Người dân Hà Tĩnh vẫn thường “rỉ tai” nhau rằng, ăn cu đơ phải ăn cu đơ nhà Thư Viện mới đã. Quả thật, ăn cu đơ nhiều nhưng phải đến trực tiếp nhà Thư Viện, nhìn cách nấu của Cô Ba và cô Út nấu mới thấy sự khác biệt. Sự khác biệt ấy theo cô Ba nói không có gì đặc biệt cả, chỉ là chị đã làm bằng tất cả “cái tâm”, cũng giống như Cu đơ có vị ngon nằm ở hương vị.
“Ngày đó, tuy nấu ít nhưng chúng tôi vẫn chọn chất lượng làm đầu, chỉ khi khách yêu cầu chúng tôi mới nấu. Không dám nấu sẵn vì sợ kẹo sẽ nguội, cứng.Có khi ngày không nấu mà đêm phải nấu. Tuy nhiên, thông thường khoảng 4 giờ sáng cô Ba và cô Út dậy nấu một đến hai nồi kẹo rồi mới đi dạy. Lúc đó trong đầu tôi lúc nào cũng luôn trăn trở làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của khách, luôn tìm tòi, nghiên cứu để pha chế làm sao được các mẻ kẹo phù hợp với khẩu vị của khách”, cô Út chia sẻ.
Công việc nấu cu đơ tuy tỉ mỉ, cần nhiều thơi gian nhưng hai chị em mỗi người một tay chia nhau ra làm nên cũng nhẹ nhàng. Hơn nữa, đằng sau hai chị em luôn có ông Thư sát sao theo dõi, động viên và sự che chở, đùm bọc của cha mẹ. Nhớ lại hồi đó để có đá về bán các loại nước giải khát, hằng ngày ông Thư phải dậy từ 2 – 3 giờ sáng, vì ngày đó để mua được cây đá rất khó, phải đến chờ tại lò mới có. Ngoài ra, ông bà còn là người bán hàng và thanh toán các khoản. Lúc rảnh rỗi ông lại trông cháu.
Cô Ba vẫn còn nhớ như in, ngày ấy ông Thư muốn bán mảnh đất ở Đại Nài để cả nhà về Thị Trấn Cẩm Xuyên sống cùng gia đình anh trai. Thế nhưng, tôi cố khuyên cha nên giữ lại. Lúc đó, bản thân tôi chưa biết để đất lại làm gì, hơn nữa thời điểm đó đất cũng không có giá trị nên tôi đã xin bố mẹ giữ lại.
Xuất phát từ vài chục tấm cu đơ bán ở quán nước, nhưng càng ngày khách đến mua càng đông, số lượng cũng theo đó mà tăng dần. Nhiều hôm làm không kịp cho khách hàng. Hai chị em, mỗi người giỏi một khía cạnh. Em khéo tay, chị giỏi quản lý, cùng nhau nỗ lực, cố gắng từng ngày để làm nên thương hiệu như ngày hôm nay. Giờ đây, cho dù cuộc sống đã có phần đầy đủ, số lượng đặt hàng ngày một tăng nhưng những quan niệm về “cái tâm” của hai chị em nhà Cu đơ Thư Viên vẫn còn nguyên vẹn và luôn được giữ gìn.
Cô Ba, học xong đáng lẽ công tác tại Đà Lạt. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình cô xin chuyển công tác về gần nhà để chia sẻ ngọt bùi, đồng cam cộng khổ với gia đình trong gia đoạn khó khăn này. Hằng ngày sau giờ tan lớp, hoặc những ngày cuối tuần cô lại rủ thêm đồng nghiệp về làm với gia đình.
Nhắc lại những chuỗi ngày khốn khó ấy, Cô Ba bật khóc : “ Cuộc sống lúc đó vất vả, khó khăn cùng cực. Thương cha mẹ vất vả nên hai chị em quyết tâm kiếm một công việc mưu sinh để phụng dưỡng cha mẹ”.
Kể về chuyện vì sao thương hiệu Cu đơ mang tên Thư Viên, Cô Ba cho hay: “Cái tên đó đã gắn với gia đình tôi từ ngày còn ở trên Đá Bạc. Ngày đó, ai cũng gọi cha mẹ tôi là ông bà Thư Viện. Cái tên đó đã theo chúng tôi gần cả cuộc đời, nhắc nhở chị em tôi phải luôn ghi nhớ công ơn của cha mẹ. Cái tên đó đã đi vào lòng dân, và do khách hàng đặt. Nhắc tới cu đơ là nhớ tới ông bà Thư Viện”.
Xuất phát từ lòng hiếu thảo với ơn sinh thành của cha mẹ và “cái tâm”, “cái lửa” với nghề, chị em nhà Thư Viện đã dành trọn tình yêu, lòng tâm huyết sự say mê lao động sáng tạo để xây dựng được một cơ sở sản xuất cu đơ nổi tiếng mang hương vị đậm đà bản sắc văn hóa của miền quê xứ Nghệ. |