Chùa Gám (tên chữ là Chí Linh tự) tọa lạc tại xóm 6 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sông Dinh - Rú Gám, là một biểu tượng về niềm tự hào của dân vùng quê lúa Yên Thành.
Sở dĩ tên chùa Gám, là lấy tên của làng Kẻ Gám thời xưa mà đặt tên cho chùa. Theo truyền thuyết kể lại, đất Nghệ An xưa có hai làng nổi tiếng: Nho Lâm (Diễn Châu) hiếu học đỗ đạt cao, và Kẻ Gám (Đông Thành) dân đông xã rộng. Khi được thành lập huyện Yên Thành, có câu ca: điền Hộ Độ, hộ Xuân Nguyên - đất rộng có làng Hộ Độ (xã Đô Thành), người đông có làng Xuân Nguyên tức Kẻ Gám). Nhưng điều kiện canh tác lúc đó còn lạc hậu, chủ phụ thuộc vào thiên nhiên, nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Vào những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân lại hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn.
Để nhớ ơn làng, ơn núi cho cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt, người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng trong quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Cũng có ý kiến cho rằng: để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đã đổi sang thành Gám, và chùa Gám cũng có tên từ đó.
Cũng theo sự ghi nhận, chùa có từ rất lâu, có thể có mãi từ những thập niên 40, 50 thế kỷ thứ 6 thuộc Tiền Lý do Lý Thiên Cương trong cuộc chạy loạn đã về vùng đất này lập trang sinh sống. Mãi đến thời thịnh của nhà Lý, nhà Trần là hai triều đại hoàng kim của Phật giáo Đại Việt thì chắc chắn chùa lại càng được mở rộng và phát triển. Xung quanh Rú Gám là một quần thể di tích lịch sử, văn hoá, bao gồm khoảng 200 di tích và danh thắng, trong đó có 17 di tích cấp Tỉnh và 17 di tích cấp Quốc gia như: đền thờ Bạch Y công chúa, chùa Yên Thông, (Bạch Y là công chúa con vua Hồ Quý Ly về dựng chùa Yên Thông để tu và mất tại xã Tăng Thành), nghĩa trang liệt sỹ huyện, đền Đức Hoàng (thờ Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn), phủ thờ Trần Đăng Dinh (Phúc Thành), đình Mõ (Hậu Thành), đình Sừng (Lăng Thành), nhà thờ Hồ Tông Thốc (Thọ Thành), Trần Đình Phong (Mã Thành), đền Cả, đình chùa Bảo Lâm, khu lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành), khu di tích Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, đình Hậu (Bắc Thành), đình Trụ Thạch (Lý Thành), đình Trụ Pháp, đình Liên Trì (Liên Thành), khu tưởng niệm 72 chiến sỹ cách mạng bị thực dân Pháp xử bắn trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931 (Mỹ Thành), đền Cố Đá (Vĩnh Thành)…Xung quanh Rú Gám còn là một quần thể danh thắng: Sông Dinh (Văn Thành, Hoa Thành, Thị trấn), Nhà thờ đá, núi đá Bảo Nham (Bảo Thành), hang Mặt trăng (Minh Thành), hang núi lèn Vũ Kỳ dài 2 km là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn, một số danh thắng nhân tạo như kênh Vách Bắc, đập Vệ Vừng, Mả Tổ, Quận Hài, Nhà trò…
Nhận thấy quá nhiều sức hấp dẫn về các tiềm năng đã ban tặng cho huyện nhà, Ban thường vụ Huyện uỷ đã quyết định phát triển bền vững Yên Thành bằng cách khơi dậy tiềm năng thiên nhiên, tình yêu quê hương, phát huy các giá trị văn hoá sẵn có đặc biệt là văn hoá tâm linh, thông qua du lịch để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Yên Thành nhằm thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài huyện.
Ban thường vụ Huyện uỷ quyết nghị chủ trương xây dựng một khu du lịch văn hoá tâm linh sinh thái gồm các hạng mục: Xây dựng trên Rú Gám một ngôi chùa lớn để thu hút du khách; Xây dựng một quần thể nhà nghỉ dưỡng sinh thái. Điểm nhấn của giải pháp này lấy Rú Gám, Sông Dinh - những biểu tượng, vượng khí, niềm tự hào, kiêu hãnh của Yên Thành làm cốt lõi. Ở chùa Gám vẫn còn có đôi câu đối như một lời sấm:
“Dinh thuỷ đông hồi nhiêu quang vụ
Phượng Sơn tây phục hướng minh đường”
Có thể hiểu, phía Đông có sông Dinh là long mạch làm cho mùa màng tươi tốt, bội thu, phía Tây có núi Phượng Sơn (tiếng địa phương là Rú Gám) với thế long chầu hổ phục tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình. Từ đó cũng có thể hiểu rằng Rú Gám là nơi mở ra hướng phát triển tươi sáng cho huyện lúa Yên Thành.
Như vậy, tiềm năng du lịch là rất lớn, nhưng làm thế nào để phát huy được tiềm năng đó là một bài toán khó. Bằng các cuộc khảo sát thực địa các chùa còn lại trên địa bàn huyện như Chí Linh (Xuân Thành), Bảo Lâm (Hoa Thành), Non nước (Khánh Thành)…thì các chùa đều thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông một vị vua anh minh và nhân từ sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình 2 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc đã chủ động nhường ngôi cho con lên núi Yên Tử tu thân, lập nên tông phái Trúc Lâm Yên Tử, mang đậm bản sắc thuần Việt. Chính vì thế mà Ban thường vụ Huyện uỷ đã tổ chức đi thực tế tìm hiểu mục đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động của các Thiền viện: Trúc Lâm Yên Tử, Trúc Lâm Giác Tâm (Quảng Ninh), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội), Trúc Lâm Bạch Mã (Huế), Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt (Lâm Đồng), Trúc Lâm Thường Chiếu (Đồng Nai), Trúc Lâm Chân Không (Bà Rịa – Vũng Tàu)…và đã quyết định khôi phục sinh hoạt Phật giáo tại chùa Gám theo tông phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tông phái Trúc Lâm Yên Tử được Sư Ông của tông phái là Hoà thượng Thích Thanh Từ vận động khôi phục lại từ cuối thế kỷ 20. Mục đích của Tông phái là khôi phục tư tưởng đạo Phật của vua Trần Nhân Tông. Vì thích nghi với mọi hoàn cảnh của xã hội đương thời, Hòa thượng chủ trương Thiền – Giáo song hành. Từ đó, chùa Gám đã chính thức được trùng tu.
Và hiện nay, nếu đến thăm chùa Gám, chúng ta sẽ nhận thấy rõ sự thay đổi theo từng ngày của nó, nhất là kể từ ngày Đại Đức Thích Trúc Thông Kiên được Ban Quản Trị Thiền phái Trúc Lâm cử ra làm Phật sự theo lời thỉnh cầu của ban thường vụ huyện ủy và đảng bộ nhân dân xã Xuân Thành, ngôi chùa như đã được khoác lên mình một bộ đồ thật mới mẻ và đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được tính chất linh thiêng bấy lâu trong tiềm thức của người dân nơi đây. Hy vọng sắp tới chùa sẽ là điểm đến cũng là điểm tựa tâm linh vững chắc cho khắp vùng để mọi người quy hướng, xứng đáng ngôi phạm vũ uy nghiêm đóng góp cho Phật sự xứ Nghệ ngày càng phát triển. |