Bánh chưng
Có từ thời vua Hùng, chiếc bánh chưng có dạng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, còn những chiếc lạt buộc bên ngoài như một sự ràng buộc, gắn bó của một gia đình. Mỗi độ tết đến xuân về, dù có ở đâu thì trong mâm cơm của người Việt vẫn không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Nhà nào ít cũng dăm ba cặp, nhiều cũng tận chục cặp bánh để dành cúng ông bà, tổ tiên như một sự thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với các bậc sinh thành.
Bánh chưng, bánh tét trong ngày tết
Để có được một chiếc bánh chưng ngon, khâu chọn nguyên liệu vô cùng quan trọng. Đầu tiên là lá dong, lá phải tươi, phải xanh thì khi luộc mới có mùi thơm và màu sắc mới ngấm vào bánh. Tuy nhiên một số vùng có thể chọn lá chuối thay cho lá dong.
Lá dong – nguyên liệu làm nên mùi vị, mà sắc cho món bánh
Nguyên liệu làm bánh gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, gia vị và tiêu. Nếp và đậu xanh được ngâm cho mềm (ít nhất 10 tiếng). Nhân muốn ngon thì thịt phải tẩm ướp thêm gia vị, cân đo sao cho vừa miệng.
Các nguyên liệu cần có cho chiếc bánh chưng
Những chiếc bánh vuông vắn, xinh xắn nằm ở khâu gói bánh phải thật sự khéo léo. Các bà, các mẹ xưa chỉ cần thoăn thoát vài phút là đã cho “ra lò” chiếc bánh như ý. Ngày nay, tuy người ta đã sáng tạo ra các loại khuôn gói, song nhiều người vẫn thích gói bánh theo cách truyền thống để có không khí ngày tết.
Khâu gói bánh rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ
Những chiếc bánh sẵn sàng “chịu trận”
Đến giai đoạn luộc bánh cũng đòi hỏi có kinh nghiệm, thường bánh chưng được luộc bằng bếp củi trong vòng 12 giờ thì mới đủ độ chín, bánh vừa tới không sượn cũng không lại gạo. Luộc xong, bánh sẽ được vớt để ráo rồi mới mang đặt lên bàn thờ thắp nhang.
Nồi bánh chưng nghi ngút hơi ấm ngày tết
Bánh tét
Cũng như bánh chưng, không biết từ bao giờ những đòn bánh tét đã trở thành món ăn tuyền thống và việc gói bánh cũng trở thành một phong tục không thể thiếu của người Việt, nhất là với người miền Nam.
Bánh tét với hình trụ đứng đặc trưng
Nguyên liệu làm bánh vẫn gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt lơn nhưng bánh tét không dùng lá dong mà là lá chuối. Nếu bánh chưng có dạng hình vuông thì bánh tét có hình trụ dài, khi ăn sẽ được cắt ra thành những khoanh tròn nhìn rất đẹp mắt.
Những chiếc bánh tét sau khi luộc chín được cắt thành khuôn tròn
Người miền Nam rất kỳ công trong việc chọn nguyên liệu. Gạo nếp ngon, dẻo, không bị lẫn gạo tẻ, đậu xanh nấu rồi giã nhuyễn. Đặc biệt, bánh tét có thêm nước cốt dừa được vắt từ nước dừa khô nạo nhỏ và nước dứa trộn vào nếp để tạo mùi thơm cho bánh. Phải thật khéo tay mới có được đòn bánh cân xứng, đẹp mắt. Bánh sau khi gói chỉ cần luộc 8 tiếng là vừa chín.
Màu xanh tươi mát của lá, màu vàng của nhân cộng thêm mùi thơm của nếp và vị ngọt bùi của nhân tạo nên hương vị khó quên cho những ai có cơ hội thưởng thức món bánh đặc trưng, đặc sản này.
Cùng gia đình quây quần bên nồi bánh và cùng tận hưởng hương vị của ngày tết, nó thật là đẹp và ý nghĩa biết bao. Một cái tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, bánh tét.